Thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển CMC

Ngày 26/06/2014, Tập đoàn Công nghệ CMC đã tổ chức họp báo công bố chính thức về việc thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển CMC (CMC Institute of Research and Development– CIRD). Tiến sỹ Nguyễn Kim Cương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Giải pháp phần mềm CMC, đã được bổ nhiệm làm Viện trưởng.
Buổi lễ đã nhận được sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong đó có Phái viên của Thủ tướng chính phủ về KH&CN, Chủ tịch hội đồng chính sách KH&CN quốc gia, Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong; Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Nguyễn Trọng Giảng, Giám đốc Sở Khoa Học Công nghệ Hà Nội Lê Xuân Rao. Ngoài ra, đến tham dự buổi lễ còn có đại diện Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ Bộ KH&CN, Sở KH&CN Hà Nội, Sở TT&TT Hà Nội, các Bộ, Ban, Ngành,cùng các khách hàng và đối tác lớn của Tập đoàn Công nghệ CMC. Đại diện trên 20 cơ quan báo chí và truyền thông đã tới tham dự và phỏng vấn đại diện của Tập đoàn Công nghệ CMC và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ông Hà Thế Minh- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ CMC trao quyết định Thành lập Viện Nghiên cứu và phát triển CMC cho tân Viện trưởng Nguyễn Kim Cương
Viện Nghiên cứu và Phát triển CMC là đơn vị khoa học và công nghệ, trực thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC, có chức năng nghiên cứu, triển khai ứng dụng vào sản xuất kinh doanh các công nghệ cao, công nghệ mới thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông (ICT).
Sau khi được thành lập, Viện Nghiên cứu và Phát triển CMC sẽ tổ chức nghiên cứu phát triển các giải pháp về về bảo mật và an ninh an toàn thông tin; phần mềm và dịch vụ trên nền điện toán đám mây; các dịch vụ giá trị gia tăng liên quan tới nội dung số và Internet TV, hướng đến đón đầu các xu hướng công nghệ mới của thế giới như 5G, Internet of Things. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Viện Nghiên cứu và Phát triển CMC sẽ là nghiên cứu và phát triển các sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng công nghệ và sáng tạo cao, có khả năng thương mại hóa để tạo năng lực cạnh tranh cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn CMC.
Bên cạnh đó, Viện cũng sẽ phối hợp với các đơn vị thành viên của Tập đoàn CMC tổ chức thực hiện các đề tài theo đơn đặt hàng từ các đơn vị này. Ngoài ra, Ban Lãnh đạo Tập đoàn CMC cũng đặt mục tiêu xây dựng uy tín của Viện ở cả trong nước cũng như quốc tế thông qua các công trình nghiên cứu, các hợp tác đào tạo, tổ chức hội thảo hội nghị chuyên sâu, để từ đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu CMC.
Ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Viện Nghiên cứu và Phát triển CMC với Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
Ông Nguyễn Trung Chính, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết: “Trước đây, việc nghiên cứu và phát triển của các đơn vị thuộc Tập đoàn CMC mang tính phân tán. Chúng tôi gặp các khó khăn vì đầu tư cho nghiên cứu phát triển mang tính dài hạn sẽ bị sức ép về đánh giá hiệu quả trong ngắn hạn. Việc thẩm định dự án đầu tư hoặc thẩm định chiến lược công nghệ gặp nhiều khó khăn vì không có các hội đồng khoa học chuyên trách được huy động từ nhiều tổ chức trong và ngoài CMC. Xuất phát từ các nhu cầu đó và từ mong muốn tạo một môi trường nghiên cứu và phát triển, chúng tôi đã quyết định thành lập CIRD để định hướng nghiên cứu công nghệ, tổ chức thực hiện nghiên cứu thử nghiệm và ứng dụng các công nghệ mới nhất vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.”
Ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Ngay sau khi được trao Quyết định thành lập, đại diện Viện Nghiên cứu và Phát triển CMC, Viện trưởng Nguyễn Kim Cương đã công bố và ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Viện Nghiên cứu và Phát triển CMC với Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, do PGS. Huỳnh Quyết Thắng là Viện trưởng đại diện.
Theo thỏa thuận này, hai viện sẽ hợp tác trong các lĩnh vực sau:
–Hợp tác về đào tạo: xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn bồi dưỡng các khóa đào tạo chuyên sâu cho sinh viên, cho kỹ sư hoặc chuyên gia. Gửi các chuyên gia và sinh viên ưu tú đi đào tạo tại nước ngoài để tiếp cận tốt nhất công nghệ mới của quốc tế.
–Tổ chức các cuộc thi sản phẩm sáng tạo, sinh viên nghiên cứu khoa học: Hai Viện phối hợp tổ chức các chương trình khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học để từ đó lựa chọn được các sinh viên xuất sắc và các đề tài có tính thực tiễn, có khả năng đáp ứng tốt các nhu cầu của khách hàng.
–Hợp tác về nghiên cứu: tham gia vào các hoạt động nghiên cứu như đồng tham gia vào các đề tài nghiên cứu các cấp mà trọng tâm là các lĩnh vực như an ninh, an toàn thông tin; các công nghệ mới 5G; cùng xây dựng phòng thí nghiệm theo hướng quan tâm (an toàn an ninh bảo mật, 5G); đồng tổ chức các hội nghị khoa học.
–Hợp tác về các hướng xây dựng sản phẩm tiềm năng bao gồm các sản phẩm hệ thống, sản phẩm phần cứng.
PGS Huỳnh Quyết Thắng, TGĐ Nguyễn Trung Chính và TS Nguyễn Kim Cương trả lời phỏng vấn báo chí
Mô hình hợp tác này thu hút và tạo điều kiện để các nhà khoa học và doanh nghiệp tham gia đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên tiến hành nghiên cứu, thực hành, thực tập gắn với thực tiễn và hội nhập.
Tại buổi Họp báo, TS. Nguyễn Kim Cương- Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển CMC, ông Nguyễn Trung Chính -Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC và PGS Huỳnh Quyết Thắng- Viện Công nghệ thông tin và truyền thông- Đại học Bách khoa Hà Nội đã trả lời báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Viện Nghiên cứu và phát triển CMC trong thời gian tới cũng như thỏa thuận hợp tác giữa CIRD và Viện công nghệ thông tin và truyền thông- Đại học Bách khoa Hà Nội.
Chúc cho Viện nghiên cứu và phát triển của tập đoàn CMC sẽ phát triển mạnh mẽ, thành công và đạt được những mục tiêu đặt ra trong thời gian tới.